TẢN MẠN VỀ CHỮ TÂM
Thiện – ác, buồn – vui, khổ đau – hạnh phúc... đều do tâm mình tạo ra, tâm mình quyết định, chứ tha nhân không tạo được ảnh hưởng gì. “Nhất thiết do tâm tạo” như lời Phật dạy là thế. Nếu Phật thật sự có thể cứu thế nhân, giúp thế nhân luôn bình an, chắc cũng không có ai đến khẩn cầu nữa.
Hầu như người Việt Nam nào cũng thuộc câu Kiều: Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Chữ “tâm” này là tấm lòng nhân ái, mà nói đến tấm lòng nhân ái, thì... bao la! Đọc đây đó, tôi còn nhớ, hồi năm 1970, nhà Phật học nổi tiếng của Đài Loan, pháp sư Thích Thiên Dân đến Nhật Bản thuyết pháp. Và nhà Phật học này nhận được câu hỏi: “Phật giáo chú trọng nhân quả; người chết phải luân hồi theo nghiệp mình gây ra. Thế nhưng, hằng năm cứ đến rằm tháng 7, các thiện nam tín nữ thi nhau đốt vàng mã, chùa chiền cũng tụng kinh cầu siêu cho vong hồn... Nếu làm những điều này mà ai ai cũng thoát được kiếp luân hồi, thì cần gì phải tu hành theo lời Phật dạy?”. Pháp sư Thích Thiên Dân thản nhiên trả lời: “Làm như vậy nhằm 2 mục đích: An ủi người sống và tăng thu nhập cho nhà chùa”. Tôi thú vị với câu trả lời này, bởi pháp sư Thích Thiên Dân phản ánh tín ngưỡng thế tục và Phật giáo chánh tín có nhiều sự khác biệt, song lại có quan hệ tương hỗ nhau. Mục đích an ủi người sống như pháp sư Thích Thiên Dân nói chính là làm cho người sống an tâm, nói lên tấm lòng của người sống đối với những người đã khuất, nói đến tính nhân văn cần thiết ở mỗi con người... Nói theo kinh sách của nhà Phật, thì việc làm ấy cũng là một trong những cách gieo trồng phước đức để định hướng tương lai. Kinh Pháp cú có viết: Tâm dẫn đầu các pháp/ Tâm làm chủ, tâm tạo tác/ Nếu nói hay làm với thiện/ Thì hạnh phúc sẽ theo ta như bóng với hình, còn Nếu nói hay làm với tâm bất thiện/ Thì đau khổ sẽ theo ta như hình với bóng.
Đọc trong các sách xem tướng, tôi thấy có viết: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt”. Như vậy, tất cả đều từ tâm. Thiện – ác, buồn – vui, khổ đau – hạnh phúc... đều do tâm mình tạo ra, tâm mình quyết định, chứ tha nhân không tạo được ảnh hưởng gì. “Nhất thiết do tâm tạo” như lời Phật dạy là thế. Nếu Phật thật sự có thể cứu thế nhân, giúp thế nhân luôn bình an, chắc cũng không có ai đến khẩn cầu nữa.
Một lần ngồi nói chuyện tại chùa Xá Lợi, khi bàn tới chuyện chữ nghĩa, nhà báo Lam Điền (báo Tuổi trẻ) có kể câu chuyện mà anh đã nghe được từ người cha của mình. Ngày đó, có anh nhà nho lỡ vận, quay về quê nhà mở cửa bắt mạch, hốt thuốc vừa giúp dân làng, vừa kiếm miếng ăn bằng sở trường của mình (nho, y, lý, số). Nhưng khi vợ đau thì anh không chữa được. Người bán thuốc dạo đến cân dược liệu như mọi lần, thấy anh buồn, hỏi ra mới biết cớ sự bèn xin vào bắt mạch thử xem sao. Anh nhà nho không tin lắm, nhưng nghĩ biết đâu phước chủ may thầy, đưa anh bán thuốc dạo vào xem mạch vợ. Sau khi xem mạch, anh bán thuốc dạo viết: Tâm can tỳ phế hiền/ Như hiền tạng thị đại hư dã. Nhìn qua, anh nhà nho thấy đúng là kẻ bán thuốc dạo, bởi chữ nghĩa chẳng bao nhiêu. Miệng thì nói “Tâm can thì phế thận”, mà chữ thì viết “Tâm can tỳ phế hiền”. Chữ “thận” và chữ “hiền” hơi giống nhau, nếu học chưa tới đầu tới đũa thì rất dễ viết lộn. Đã vậy, anh ta còn bảo phải mời thêm thầy cúng về để... cắt duyên âm, bởi có người cõi âm đang muốn lấy vợ anh về chung sống. Do đó, anh muốn vợ khỏi bệnh, thì phải phối hợp đồng bộ, nếu không thì vô phương.
Đau chân há miệng. Thương vợ nên anh cố làm cho hết lòng hết sức, rủi thời âm dương đôi ngã cũng có chút an lòng. Vị thầy cúng được rước đến, việc đầu tiên là hối gia chủ lập bàn thờ giữa nhà, còn ông ta lấy giấy viết bài vị. Khi đặt bài vị lên, chủ nhà lại thêm một lần thất vọng. Thầy cúng viết: Cung chư cửu long thần nữ chư vị. Chữ “thỉnh” và chữ “chư” giống nhau, và cái học của vị thầy cúng này cũng không hơn gì cái học của anh bán thuốc dạo, nên chữ “thỉnh” viết thành chữ “chư”. Nhưng đây cũng là cách “an ủi người sống”, chủ nhà đặt hết lòng thành vào đó là cho vợ uống thuốc theo cách của anh bán thuốc dạo và cẩn trọng hành lễ theo hướng dẫn của vị thầy cúng.
Điều lạ lùng là sau chín ngày, vợ anh khỏi bệnh. Mừng quá, anh làm mâm cơm tạ ơn trời đất, cám ơn hai vị... đại tào lao với câu đối: Phúc đáo tâm linh bất luận hư hiền hư thận/ Hữu cầu tất ứng hà tu cung thỉnh cung chư.
Qua câu chuyện này, tôi thấy cái tâm rất chi là quan trọng. Trong kinh Địa Tạng thập vương biến tướng, viết rằng trong khi “tụng kinh bái sám cầu nguyện cho người mà sót chữ hoặc không chuyên tâm thành khẩn, sau khi chết, trước hết phải đọc kinh bổ khuyết để tiêu nghiệp, tội hết rồi lại bị áp giải đến các cửa ngục khác để chịu tội đã tạo ra”. Tôi nghĩ, đoạn kinh này nhắc nhở những ai lãnh nhiệm vụ tụng kinh bái sám cầu nguyện cho người thì phải chuyên tâm, thành tâm chứ đừng làm cho có, cho xong bằng cách nuốt chữ, sót chữ... Chỗ này, đòi hỏi cái tâm của người tụng, chứ thật ra trong kinh sách của chúng ta sai chữ nhiều lắm. Mới rồi, đọc cuốn Thần chú trong Phật giáo (Lê Tự Hỷ biên soạn, NXB Hồng Đức, HN, 2014), tôi hiểu thêm về ý nghĩa, nguồn gốc, cách viết, cách đọc của thần chú. Từ cuốn sách này, tôi thấy nhiều thế kỷ qua, các tu sĩ, tín đồ Phật giáo Việt Nam thường tụng thần chú trong những thời kinh và chỉ cần đọc rõ ràng chứ không cần biết nghĩa. Đặc biệt, qua Thần chú trong Phật giáo, người biên soạn cho biết khi người Tàu phiên âm ra tiếng Hán đã bị lệch so với nguồn gốc những 30%, và ta phiên âm từ tiếng Hán qua tiếng Việt, so lại với nguồn gốc thì bị lệch ít nhất là... 70%. Ấy vậy mà cả ngàn năm qua, hết đời này sang đời khác, ta vẫn tụng vẫn thấy... hữu cầu tất ứng! Do đó, “hiền” cũng được, “thận” cũng được; “thỉnh” cũng tốt, “chư” cũng chẳng sao, miễn là ta có lòng thành, đặt hết tâm trí vào đó thì... “tâm động quỷ thần kinh”. Ngay đoạn trích trên (Kinh Địa Tạng thập vương biến tướng) có mấy chữ mà người dịch đã “sai một li đi một dặm”. Tụng kinh bái sám cầu nguyện cho người chỉ cần thành tâm, chứ sao lại “thành khẩn”? Thành khẩn là hết sức thành thật trong tự phê bình và tiếp thu phê bình, nên việc tụng kinh bái sám cầu nguyện cho người chẳng dính dáng gì tới việc tự phê bình và tiếp thu phê bình cả.
Nói đến đây, tôi lại giật mình, bởi thấy tâm mình loạn động, không giữ được chánh niệm rồi, mặc dầu luôn nhớ lời Phật dạy: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai” (Kinh Hoa nghiêm). Do đó, mong bạn đọc Tạp chí Từ Quang ưu ái cho hai chữ “đại xá”, bởi tôi là người thế tục, vọng tâm chưa tan biến chẳng biết tới khi nào chân tâm hiển hiện. Nhưng chữ tâm trong câu Kiều được dẫn ở đầu bài viết này, tôi vẫn nhớ và cố gắng thực hiện được chút nào hay chút ấy.Chữ tâm liền với chữ tầm/ Chữ tâm mà ngắn, chữ tầm chẳng xa. Hơn sáu mươi năm buồn vui với cõi đời ô trọc này, tôi tin điều đó
ST